Đến thăm pháo đài kỳ bí, Petra
Không chỉ bước lên màn ảnh rộng, pháo đài Petra (Jordan) còn được đưa vào nhiều tác phẩm văn chương như chất liệu tăng thêm vẻ đẹp cùng sự kì bí.
Nhắc đến Petra, người ta thường nghĩ đến một kinh đô “rực rỡ ánh hào quang” của vương triều người Nabataean trong thời cổ đại. Và nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích nghệ thuật điêu khắc trên đá cũng như hệ thống dẫn nước trong thành phố đã vươn đến đỉnh cao và hoàn thiện trong những buổi bình minh đầu tiên của nhân loại.
Lối hẹp vào Petra có hình dáng như con dao, người ta gọi là Siq
Petra đã từng làm say đắm không biết bao nhiêu nhà văn và nhà thơ trong thời cổ và trung đại bởi kiến trúc đặc thù của nó. Nổi bật trong số đó là bài thơ “thành phố hoa hồng đỏ” của nhà thơ John William Burgon được nhận giải thưởng Newdigate vào năm 1845.
Mặc dù John William Burgon chưa một lần được đặt chân đến Petra, mà ông chỉ làm thơ ca ngợi nó qua những lời miêu tả của những người từng đặt chân đến Petra. Rồi từ đó, Petra luôn được du khách gọi bằng cái tên triều mến “thành phố hoa hồng đỏ”.
Ngân khố – biểu tượng chính của Petra thực chất là lăng mộ của các vị vua
Hình dáng của ngân khố được xây dựng theo kiến trúc thời kỳ Ptolemaic. Tương truyền rằng các bầu tròn trên đỉnh tháp là nơi cất giữ vàng bạc châu báu của các vị vua trong quá khứ
Kinh đô Petra được người Nabataean xây dựng vào khoảng năm 60 trước Công Nguyên đến năm 50 sau Công Nguyên. Tất cả các kiến trúc nằm trong lòng thánh địa Petra đều mang dáng dấp của các thời kỳ văn hóa cực thịnh vào thời điểm đó gồm: thời kỳ Ptolemaic, thời kỳ Hellenistic kết hợp với những kiến trúc địa phương thuộc vùng Syria.
Thánh địa Petra rộng lớn, để mất sức di chuyển, du khách có thể thuê lạc đà với giá 10 USD/lượt
Cũng không hẳn là một pháo đài để bảo vệ thành phố, Petra được các nhà khoa học biết đến nhiều hơn đó là một trung tâm “kinh tế” và là điểm dừng chân của những đoàn lạc đà thương mại trên con đường nối liền ba châu lục Á – Âu – Phi.
Con đường của những cây cột kì bí. Dẫu Petra theo nghĩa cổ xưa là đá nhưng qua bàn tay của người thợ, những khối đá vô tri đã thành tác phẩm nghệ thuật lạ, độc và cũng khó nắm bắt
Ngày nay, không chỉ xuất hiện trong những quyển tiểu thuyết như Chasing Vermeer, Appointment with Dead, … thánh địa Petra còn được làm hậu trường cho rất nhiều bộ phim nổi tiếng trên thế giới như Indiana Jones and the Last Crusade, Arabian Nights, Passion in the Desert, Sinbad and the Eye of the Tiger, … Bộ phim mới nhất được dàn dựng với Petra làm hậu cảnh là Transformers : Revenge of the Fallen.
Lăng mộ được xây dựng theo kiến trúc Syria
Ngày 7.7.2007, Petra còn được vinh danh là một trong “bảy kỳ quan mới” của thế giới cùng với: đấu trường La Mã ở Rome (Ý); đền Taj Mahal ở Agra (Ấn Độ), tượng Chúa cứu thế ở Rio de Janeiro (Brazil), thánh địa Machu Picchu ở Peru, Vạn lý trường thành ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và kim tự tháp Chichen Itza (Mexico).
Hàng năm, vào mùa cao điểm du lịch ở Jordan từ tháng 10 đến tháng 11, thánh địa Petra tiếp nhận khoảng 70.000 lượt khách đến tham quan.